TBKTSG - Quản trị có triết lý không? Câu trả lời là có. Bởi lẽ doanh nghiệp là một thực thể cấu tạo từ những con người. Có con người là có triết lý. Nói gọn ghẽ, đó là triết lý để tư duy và hành động.
Quản trị là một trường sống động, không phải là một mớ lý thuyết suông, cứng nhắc, giáo điều, khoa bảng. Quản trị là quản và trị hôm qua, bây giờ và ngày mai, tạo cho doanh nghiệp luôn luôn có một thế và lực để phát triển và phát triển bền vững. Và mỗi doanh nghiệp có cách riêng để tạo cho mình một thế lực để cạnh tranh, tồn tại, phát triển trong nền kinh tế thị trường khốc liệt.
Cách riêng đó là việc sử dụng như thế nào cho phù hợp các học thuật - nghệ thuật - văn hóa quản trị vào đời sống doanh nghiệp. Và vì thế mà mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một ngôi nhà quản trị.
Ngôi nhà quản trị ở hình 1 gồm có chín điểm cốt lõi. Vì sao lại chỉ có chín điều cốt lõi? Khiêm tốn mà nói là mỗi người chỉ có hai bàn tay với mười ngón. Nhớ được chín điều là đã quá nhiều. Nhớ được ba hay bốn điều trong nhiệm vụ lãnh đạo và điều hành đã là tốt lắm rồi. Ngày xưa, Lưu Bị chỉ tâm niệm về một thế “nhân hòa” mà đã làm vua của một phần ba Trung Quốc!
Nói vậy để hiểu rằng nhờ có tầm nhìn, người lãnh đạo doanh nghiệp chọn một điểm nhấn phù hợp nhất với sở trường của mình, của doanh nghiệp để làm con át chủ bài. Khởi điểm, khởi động từ điểm nhấn đó để có thể có những con bài át khác. Như Lưu Bị, cố có cả bộ tam “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để khởi nghĩa thì rất khó, nếu không muốn nói là vô vọng. Có nhân hòa thì mới có Tây Thục, có Tây Thục thì mới có “địa lợi” hiểm nghèo để giữ được một phần ba Trung Quốc.
Mọi học thuyết quản trị chỉ có giá trị khi chúng được đưa vào cuộc sống và phục vụ hiệu quả cho con người và xã hội. Lãnh đạo cao nhất của các tập đoàn, các công ty là đồng tác giả của các học thuyết quản trị mà họ đưa vào cuộc sống của doanh nghiệp mình. Vì thế, nếu không có tầm nhìn về hôm qua, bây giờ và ngày mai cho doanh nghiệp; không có một năng lực lãnh đạo sâu sắc để xây dựng một nền tảng vững chắc về các giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp về vấn đề tổ chức, con người; không có một chiến lược dài hơi để biết, nhận dạng và hành động đúng “lúc nào” để giải tỏa những “vì sao”, “thế nào” thì doanh nghiệp đó sẽ chỉ ở mãi trong tình trạng ngày qua ngày. Một doanh nghiệp ở trong tình trạng như vậy làm sao có thể có một sự phát triển bền vững để tồn tại?!
Nếu bộ tam “tầm nhìn, chiến lược, năng lực lãnh đạo” là nóc nhà kiên cố, che nắng che mưa, thì phần thân là bộ tứ + 1: “thị trường, kỹ thuật công nghệ, nhân lực, tài lực + đo lường/cải tiến”, là nơi hội tụ ít nhất từ 95-98,5% cuộc sống thật của doanh nghiệp. Chỉ cần mất một trong các điều đó thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí có thể gặp khủng hoảng lớn.
Nếu nhìn sâu vào những thành công của các nền kinh tế của thế kỷ 20 cũng rút được những bài học thực tiễn, sống động về sự tương tác đầu tiên của bộ tứ “thị trường, kỹ thuật công nghệ, nhân lực, tài lực”.
Đầu thế kỷ 20, ngành công nghiệp ô tô chỉ có thị trường cho các “đại gia”, hay ít ra là những người giàu. Henry Ford, có một trực giác về “thị trường’’ rất đơn giản là nếu tổ chức sản xuất như thế nào để giá thành giảm thì sẽ có hàng triệu người với mức thu nhập trung bình có thể mua được xe. Với số đông khách hàng như thế, sẽ lãi to.
Chính Henry Ford là người đã đưa học thuyết quản trị của Taylor “sản xuất dây chuyền vào cuộc sống”! Ví von là “đúng người, đúng việc, đúng lúc”. Từ đó, một sự cải tiến đột phá về kỹ thuật, công nghệ sản xuất ô tô, đi kèm với việc tái cấu trúc nhân lực thích ứng.
Cuối thế kỷ 20, những con người như Bill Gates, Steve Ballmer, sáng lập viên của Microsoft, đã nhìn được thị trường máy tính nhỏ là tất yếu. Nhưng hai thanh niên vừa ngót 20 tuổi không nhắm vào sản xuất máy tính, mà chỉ nhắm vào kỹ thuật và công nghệ phần mềm, đó là phần hồn cho các máy tính. Họ bắt đầu là nhà cung ứng nhỏ, viết những phần mềm, nhanh, rẻ, không cần tài lực mạnh mẽ. Nay thì ai cũng biết họ đã có một tầm nhìn, đã biết phát kiến một “kỹ thuật và công nghệ” đúng lúc.
Nền tảng của sự thành công quản trị như đã viết ở phần trên, đó là đúng người, đúng việc, đúng lúc. Nhưng 20 năm cuối của thế kỷ 20, nền tảng của học thuật - nghệ thuật - văn hóa quản trị không thể dừng ở đúng người, đúng việc, đúng lúc (chủ thuyết này có tính cơ học, vì thế đến một giới hạn nào đó sẽ làm cho những con người trong doanh nghiệp thấy quá nặng nề về tinh thần). Chính vì thế, cuộc sống doanh nghiệp lại được mở rộng ở những nền tảng mới, đó là sự hài hòa, hòa quyện với sự chuyên nghiệp cao nhưng không quên một kỷ luật nhất định. Tính kỷ luật - chuyên nghiệp - hài hòa trở thành một thước đo, vừa cho doanh nghiệp, vừa cho những con người của doanh nghiệp đó. Phải chăng, ba tính này là phần cốt lõi của văn hóa/nghệ thuật quản trị, mà cơ sở là đưa được một học thuật quản trị vào cuộc sống, vào phần hồn của doanh nghiệp.
Ngôi nhà quản trị với chín điểm kết cấu hữu cơ nói trên là tổng hợp những tri thức, kiến thức mà người viết có được. Một điểm rất rõ là mỗi ngôi nhà phải phù hợp với chủ sở hữu của nó, đó là doanh nghiệp liên quan. Màu sắc, bố cục như thế nào là tùy theo một điểm nhấn hay nhiều điểm nhấn trong từng quãng đời của doanh nghiệp.
Thật ra, ngôi nhà quản trị kia được xây dựng dựa theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, đặc biệt là ISO 9004. Các bộ tiêu chuẩn ISO này, tập hợp các mô hình quản trị tiên tiến nhất, như quản trị toàn diện, từ chất lượng đến tài chính, nhằm đạt một hiệu quả kinh tế, kết dính đến an sinh con người và xã hội, cộng một tính đo lường/cải tiến định kỳ (xem hình 2).
Để có thể đo lường chắc chắn phải có một nấc thang đánh giá và nấc thang đánh giá này phải thỏa hiệp được tính định tính và định lượng. Điều quan trọng là nấc thang này được giữ nguyên cho hai lần đo lường/đánh giá. Điều chúng ta cần biết là giữa hai lần đo lường có sự thay đổi/đổi mới hay không.
Sự quản trị xoay quanh chín điểm mấu chốt kia là tạo điều kiện cần và đủ cho một sự điều chỉnh, điều tiết nhanh các điểm xung yếu. Phải chăng là phòng bệnh với những tiểu phẫu đúng lúc còn hơn phải đại phẫu với một tái cấu trúc máu lửa, lưng dựa vào tường? Đó cũng là mong ước mà người viết bài này muốn san sẻ với các đồng nghiệp, đồng cấp qua bài viết này.
T.s Nguyễn Công Phú
Tổng giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á
Từ 7 tháng nay, ngay sau Tết Tân Mão, nếu có một CEO phải thật sự bươn chải với qui luật kinh tế thị trường mà "thanh thản" thì tôi xem đó là một người may mắn số 1 ở đời này!
TS. Nguyễn Công Phú
Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn APAVE
Trong những hội nghị tại Việt Nam và ngoài Việt Nam, đại đa số các CEO mà tôi được gặp, trao đổi, hỏi thăm "Anh (chị) có cách gì hay chỉ cho tôi với". Câu trả lời gần như không thay đổi lắm là "Công ty anh có cash-flow nhiều không?". Vì không ai biết cái khủng hoảng lần này lúc nào thì có lối ra! Ngay như Mỹ, một cường quốc in bạc và buộc được cả thế giới phải dùng, suýt bị tuyên bố phá sản (nghĩa là không có tiền!) và sau đó bị một tổ chức đánh giá cũng là Mỹ - Standard & Poor's, hạ bậc mức đáng tin cậy về sức khỏe tài chính - tiền tệ.
Cùng một lúc, các nước tiên tiến về kinh tế - tài chính - công nghiệp ở Châu Âu như Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý... đứng bên bờ phá sản. Định luật xác suất muôn thuở đến đây vẫn đúng, là khi đã gặp khốn khó thì khốn khó lại từ trên trời rơi xuống thêm! Nhật Bản đã không khấm khá, bị Trung Quốc chiếm đoạt ngôi cường quốc kinh tế thứ hai, thì sóng thần đánh gục hai nhà máy điện hạt nhân, gây ra một thiên tai nguyên tử dân sự còn hơn Chernobyl. Hậu quả kinh tế là hàng trăm tỷ Đô la cộng thêm nền kinh tế xã hội bị đảo lộn ít nhất là 5 năm. Trừ vài nước như Đức, Pháp còn chưa bị các Tổ chức đánh giá kinh tế - tài chính hạ bậc, gần như mọi quốc gia trên thế giới gặp khó khăn kinh tế đều bị hạ một bậc. Bị hạ bậc thì quốc gia đó phải trả lãi vay trên thị trường quốc tế tăng lên. Như thế thì quốc gia này khó mà có lãi vay nhẹ tay cho các doanh nghiệp trong nước (trừ những nước như Nhật, dù khó khăn nhưng lại có một nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, hàng ngàn tỷ Đô la).
Cái gì đã xảy ra tại các nước tiên tiến Mỹ, Châu Âu? Từ lĩnh vực hành chính công đến các tập đoàn, công ty tư nhân "thắt lưng buộc bụng" là mốt quản trị. Lương chẳng những không tăng mà còn giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tỷ lệ công ty phá sản cũng vậy. Và xã hội trở nên bi quan, ảm đạm. Nói chung ai cũng lo. Từ CEO đến tạp vụ! May mà họ chỉ có lạm phát là 2 hay 3% thôi. Mọi doanh nghiệp để kinh doanh đều cần vay ngân hàng. Càng có cash-flow dồi dào càng nên vay ngân hàng. Vì ngân hàng "thích cho" khách hàng có tiền vay. Lại cho lãi suất tốt nhất có thể. Như MICROSOFT, giàu gần như nhất thế giới cũng vay ngân hàng một phần vốn để đầu tư cho việc thiết kế các dịch vụ và sản phẩm mới cho tương lai. Dĩ nhiên có những ngân hàng chuyên trách cho từng loại doanh nghiệp Lớn - Vừa - Nhỏ, Công nghiệp - Nông nghiệp - Xây dựng... Nhưng vì người tiêu dùng lại không dám tiêu dùng nữa vì sợ khủng hoảng. Thế là bộ máy sản xuất bị phát cúm gà ngay. Tỷ số tăng trưởng của Mỹ là 1%, Châu Âu là chưa đến 2%. Các dấu hiệu thiểu phát ló dạng. Và các CEO chỉ còn biết cắt CHI là chính: không tuyển thêm nhân viên, sa thải nhân viên, giảm lương, các đầu tư R&D bị dừng lại... Bảo tồn sự sống còn của doanh nghiệp mình là may lắm rồi, lấy niềm hưng phấn ở đâu mà đầu tư cho tương lai. Những cuộc thăm dò dư luận đều có một kết quả đồng nhất là từ CEO đến dân thường (người lao động) đều có tâm lý bi quan cho hiện tại và tương lai.
Nhưng ở Việt Nam thì sao? Còn rất khác với các quốc gia tại khu vực, đừng nói gì là các quốc gia tiên tiến. Có hai điểm mấu chốt, mà hai điểm này lại tương hỗ lẫn nhau là lạm phát so với 12 tháng trước là gần 20% và lãi suất ngân hàng cũng thế. Sức mua của nền kinh tế xã hội không tăng thì CEO làm sao quản trị có lãi hơn 20% để dám đi vay để kinh doanh. Một hiện tượng nghịch lý là ngay ngân hàng có cho vay cũng không dám vay. Ngoại trừ nếu không vay thì chết ngay! Cái vòng luẩn quẩn này, tôi tin là những CEO Việt Nam thật sự xem như là một ác mộng khi ngủ và ngay khi đã tỉnh dậy mà làm công việc quản trị. Như làm sao để thông báo với nhân viên mình là lạm phát là 20%, nhưng công ty tăng lương nhiều lắm là 5%. Ở Việt Nam, với truyền thống bao cấp, những ngày lễ lớn, ngày hè, doanh nghiệp phải lo phúc lợi chào mừng và tài trợ nghỉ dưỡng cho nhân viên. Bây giờ thì sao, cắt bỏ hết vì hợp đồng đình trệ? Đã không tăng lương lại cắt giảm hết "phúc lợi"? Nhà CEO, kẻ quản trị trở thành "tội đồ" của tập thể mình lãnh đạo? Bên cạnh đó, đối với CEO thật sự có một HĐQT với cổ đông góp vốn ngồi họp với vị trí "quan tòa" hay "công tố viên" vì công ty không có lãi để chia cổ tức hậu hĩnh, lại là một ác mộng ngay khi chẳng thấy buồn ngủ.
Chỉ số tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm là gần 6%. Có nghĩa là bộ máy kinh tế quay chậm lại 30% so với 1 năm trước đây, càng giải thích được tâm trạng bí bách của những CEO còn ngồi ở ghế CEO. Sóng gió kinh tế - tài chính 2009, lại sóng gió kinh tế - tài chính 2011 với một viễn cảnh 2012 không sáng sủa gì hơn. Làm CEO không những là can đảm mà thật là liều mạng!
Tôi chia sẻ hoàn toàn với lời khuyên của một đồng nghiệp quốc tế, mà cũng là người bạn dù lớn tuổi hơn mình, là trong tình huống này, QUẢN TRỊ là dám làm những gì mình chưa dám làm hay nói cách khác là làm cái mà mình chưa bao giờ làm! Có bị cách chức thì ít ra mình đã tận tâm, tận tụy với cái nghiệp CEO của mình!
Paris, 6.10.2011
Ở một số nước, đặc biệt Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật…, nay có thêm Trung Quốc, đại đa số nhân tài nổi trội của họ, thường xuất thân từ một Đại học hàng đầu của đất nước ấy. Khi nói đến Đại học hàng đầu thì đúng là Đại học hàng đầu đã được xã hội công nhận. Từ nhận thức hay trong tiềm thức của con người: đó là cái nôi rèn luyện nhân tài để phụng sự quốc gia. Đúng như ngày xưa, câu nói nguyên khí quốc gia xuất phát từ Quốc Tử Giám, đại học đầu tiên tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Công Phú
Giám đốc Á Châu – Tập đoàn APAVE
Tổng Giám đốc Công ty APAVE Châu Á – Thái Bình Dương
Nhân tài và Đại học, Đại học và Nhân tài là hệ quả qua lại mật thiết. Đã hơn 15 năm, tôi đã nghe, đọc, chứng kiến biết bao lần về cải cách đại học Việt Nam. Nhưng thấy thất vọng, mỗi năm chứng kiến cảnh thi Trung học phổ thông rồi lại thi vào Đại học với những bất cập cũ và/hay mới.
Cái mà tôi thấy thế nào là những chính khách lãnh đạo ngành Giáo dục, là Giáo sư, Tiến sỹ tuyên bố sau những kỳ thi đó là “năm nay dù có vài khiếm khuyết, nhưng tốt hơn năm trước”, rồi sau đó lại tuyên bố “sẽ thay đổi cách tuyển sinh, thi Trung học phổ thông thì thêm môn này, thi Đại học thì không còn 3 trong 1 mà thế này, thế ấy”. Chính sách giáo dục thay đổi liên miên nhưng đâu đó vẫn còn những bất cập với một đặc trưng của nó là ĐẠI HỌC KHÔNG ĐÚNG TẦM ĐẠI HỌC.
Thật vậy, vào các Đại học Bách khoa, Xây dựng, Giao thông, Dầu mỏ, Sư phạm … dù ở Hà Nội, TP. HCM có cho các sinh viên đó niềm kiêu hãnh, tự tin là ta đang vào nơi mà nguyên khí quốc gia hội tụ. Các sinh viên đồng lứa khác ở các quốc gia mà nền Đại học có truyền thống như vào được HAVARD, OXFORD, CAMBRIDGE, POLYTECHNIQUE, ECOLE NORMALE DE PARIS (ĐẠI HỌC SƯ PHẠM PARIS, cái nôi đào tạo biết bao Nhà toán học, vật lý, triết học + chính khách hàng đầu của Pháp), MIT, THANH HOA, TOKYO … Nói chung các Đại học đó đã tự khẳng định là nơi mà sinh viên của mình hội tụ những năng lực vượt trội đặc biệt. Để thi vào được dù có cho “quay/cóp” thì đầu bài khó ở mức độ mà chỉ có năng lực thực sự mới làm được (quay/cóp là cách viết thế thôi, thí sinh không có quay/cóp, thường thí sinh chỉ đăng ký thi nếu tin học lực mình đủ để dự tuyển).
Mà Đại học Việt Nam hiện tại có những điều mà tôi không hiểu như Đại học Kiến trúc lại cấp bằng Kỹ sư Xây dựng, Đại học Xây dựng lại cấp bằng Kỹ sư Kiến trúc! Hay có kỹ sư lại tốt nghiệp là Kỹ sư Kinh tế Xây dựng hay Kinh tế Công nghiệp. Tính chuyên ngành “KINH TẾ” cho các kỹ sư này thật ra chỉ là những kiến thức nhỏ hẹp, tính toán khối lượng rồi quy đổi ra tiền từ giá thành bằng kilo hay mét khối! Mà đây là công tác của Kỹ thuật viên chứ không phải của Kỹ sư.
Chấn hưng Đại học Việt Nam đã được phân tích, mổ xẻ, tổng hợp từ bao nhiêu năm, từ bao trí thức thâm thúy của đất nước. Nhưng mùa đông băng giá của Đại học vẫn triền miên. Gần đây, những tiếng nói của Trần Văn Thọ, Trịnh Xuân Thuần, Ngô Bảo Châu … đã khẳng khái nói lên cái vị trí đích thực của ĐẠI HỌC, đó là TƯ DUY sống động bắt nguồn từ QUÁ KHỨ, làm thăng hoa HIỆN TẠI để hướng đến TƯƠNG LAI hoàn hảo hơn. Nói cách khác, đó là vai trò đích thực của giới trí thức hữu dụng cho con người, xã hội, đất nước.
Nói đến ĐẠI HỌC, không thể không nói đến đầu vào TRUNG HỌC, TIỂU HỌC. Không có gì phi lý hơn là hiện nay trẻ thơ 5, 6 tuổi đã bắt đầu đi học thêm! Tôi không trở lại nguyên cơ của tình trạng này đã được nói nhiều rồi. Tôi chỉ mong một mùa xuân mới cho ĐẠI HỌC nói riêng và nền GIÁO DỤC VIỆT NAM nói chung bằng một thay đổi đột phá, mà tôi tin là cả xã hội sẽ đồng thuận ưu tiên cấp bách này, đó là thu nhập bình quân năm của giới làm GIÁO DỤC là 3 lần GDP/người, có nghĩa là 60 triệu VNĐ/năm/người. (1)
Sự cải cách minh bạch này vừa khả thi về mặt kinh tế, vừa tác động mạnh mẽ vào sự đổi mới các ngành/giới khác.
Phải trả lại vị trí đích thực Thầy/Cô thì Học sinh/Sinh viên được hô hào rất nhiều là rường cột của quốc gia (NHÀ NƯỚC) mới là nguyên khí của đất nước thông qua ĐẠI HỌC. Đó là lời chúc XUÂN MỚI cho Đại học Việt Nam mà tôi mạnh dạn, chân thành phát nguyện vì đã được học và có ít nhiều thành đạt nhờ những cái học được đầu tiên ấy mà vẫn chưa là cuối cùng.
(1): Nếu toàn ngành Giáo dục là 1 triệu thành viên, thì ngân sách thu nhập là 3 tỷ USD/năm chỉ chiếm 3% GDP của Việt Nam. Một đất nước trích 10% GDP cho ngành Giáo dục là rất bình thường.
Hà Nội, mùng 5 Tết Nhâm Thìn (27/1/2012)
Đô thị kiến trúc: hạn chế các trục trặc kỹ thuật. Hợp đồng tư vấn xây dựng của Đô thị kiến trúc và di sản
Một phương thức giao thông mới của Paris tôn trọng môi trường và an toàn cho n...
TBKTSG - Quản trị có triết lý không? Câu trả lời là có. Bởi lẽ doanh nghiệp là một thực thể cấu tạo từ những con người. Có con người là có triết lý. Nói gọn ghẽ, đó là triết lý để tư duy và hành động.
 ...
Đường link Bản tin APAVE Today số 3/2018:
https://www.scribd.com/document/396838442/APAVE-Today-So-3-2018
Ngày nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp do phái nữ lãnh đạo, hoặc phái nữ được bổ nhiệm vào ban điều hành doanh nghiệp. Điều này minh chứng được sự bình đẳng đối với phái nữ trên mọi mặt trận, và thực tế, họ ...
Trong thời kì khủng hoảng kinh tế/ tài chính toàn cầu có thể đưa một doanh nghiệp đến tình cảnh phá sản “tức thì”, thế mà chính ngay trong doanh nghiệp đó một số lãnh đạo hay cán bộ chủ chốt vẫn giữ một phong t...